Picture
Người ta thường có ba nỗ lực: bước vào hôn nhân, duy trì hôn nhân và thoát khỏi hôn nhân. Trong đó nỗ lực thứ ba là mệt mỏi và tuyệt vọng nhất. Thế nên, đôi khi tôi hay bị dựng dậy nửa đêm để nghe tâm sự.

Tôi hay bị làm phiền bởi một cặp vợ chồng. Họ đang ở giai đoạn 2,5 (người vợ ở giai đoạn 2, người chồng ở giai đoạn 3) - người kiên cường duy trì, người khát khao thoát khỏi.

Nhưng vấn đề là họ ở trong giai đoạn này rất rất lâu rồi. Ngày nào cũng vậy, anh chồng đi ngủ sau 1h đêm, vì còn loay hoay vừa làm việc vừa lướt web. Cô vợ dậy từ 5h30 sáng lịch kịch tắm rửa chuẩn bị đưa hai đứa con tới trường. Nhìn đức lang quân nhăn nhó vì tiếng chuông bất đắc dĩ chưa dứt, rúc thêm vào chiếc chăn ấm, nàng nhớ lại những ngày tươi đẹp sau đám cưới, sáng nào cũng được chồng chở đi làm, ăn sáng cùng nhau. 

“Giờ thì đêm nào cũng chúi đầu vào cái máy tính, sao hồi đó không cưới cái máy có hơn không?”, nàng làu bàu, bất giác nàng vặn to volume chiếc ti-vi, nhân thể mắng đứa lớn chậm trễ lề mề, dỗ đứa nhỏ uống hết bình sữa, vừa nhanh tay phơi nốt đống quần áo đang kêu tít tít trong chiếc máy giặt. Huyên náo một lúc, nàng cũng kịp trang điểm thật xinh, xịt nước hoa toàn thân, đóng cửa cái rầm, nách bế đứa nhỏ, tay dắt đứa lớn bước ra, kéo cửa sắt đánh roạt chả thèm ý tứ, bỏ lại lão chồng nhăn nhó cố gắng mơ nốt giấc “thiên thai” bị phá nát bởi người phối ngẫu.

7h30, khi chắc chắn giấc ngủ không trở lại, chàng vùng dậy mệt mỏi lao ra khỏi nhà. “Bảo đẻ một đứa thôi mà không nghe, tự rước mệt vào người rồi ca cẩm. Mình phải tiếp tục cuộc sống địa ngục này đến bao giờ?”.

8 tiếng ở cơ quan, nàng là một người khác, ngọt ngào chu đáo với các nam đồng nghiệp. Thêm vào đó, ánh mắt khắc khoải của người đàn bà đã lâu không được chồng âu yếm khiến mấy tay máu gái mê tít. Nhưng hình như nàng chỉ cố gắng dịu dàng được 8 tiếng một ngày là hết. Về đến nhà, nữ tính của nàng trốn đi đâu mất.

Không ai trong họ kịp nhớ rằng họ đã yêu và chia sẻ với nhau những lý tưởng thật kỳ vĩ về hạnh phúc.

Anh chồng thường nhờ tôi khuyên cô vợ nên chấp nhận ly dị, vì từ lâu họ chẳng thể nào trò chuyện. Cô vợ luôn khăng khăng với “lý do nhân đạo”: “Em đã hy sinh quá nhiều cho gia đình, con cái, em phải giữ cuộc hôn nhân này, giữ bố cho con em, với lại còn các cụ hai bên nữa, bỏ nhau, các cụ tăng xông thì chết”.

Nàng nắm giữ hôn thú, nhưng giấc ngủ của chồng nàng mỗi ngày lại đến muộn hơn, tiếng chuông báo thức của nàng thường ré lên vào đúng lúc chàng đang phiêu lưu trong giấc mơ. Cuộc hôn nhân của họ thực sự đã chết.

Nhà thơ quá cố Lê Đạt có một câu thơ khó quên: “Người ta thường ngủ chung nhưng thức một mình”. “Thức” ở đây không chỉ là trạng thái vật lý mà mang cả ý nghĩa tâm lý, nhận thức và tâm thức. Nếu chỉ xét trong phương diện hôn nhân, không ít cặp vợ chồng đã chọn một khởi đầu chung rất đẹp, nhưng khi đến giai đoạn hai, họ lần lượt gặp một trong ba vấn đề sau đây: Khởi đầu cùng nhau, nhưng mục tiêu khác nhau; khởi đầu cùng nhau, cùng mục tiêu nhưng vận tốc khác nhau; khởi đầu cùng nhau, mục tiêu giống nhau nhưng nhận thức khác nhau. Chàng đi, mà nàng thì đứng lại. Lại có cặp nàng trưởng thành lên trong nhận thức mà chàng mãi chẳng chịu lớn. 

Có cặp mỗi người hướng đến một mục tiêu khác, chàng ưa tự do, khát khao khám phá thế giới; nàng ưa xây nhà, sắm sửa tiện nghi rồi ngồi làm người bảo vệ, tự biến mình thành nô lệ của khối bất động sản. Có người bận tâm lao về phía trước, say mê theo đuổi tiền bạc sự nghiệp, nhưng những thứ thực sự quan trọng đã ở lại hết đằng sau.

Phần lớn những cặp “ngủ chung, thức một mình” là bởi họ quên nắm tay nhau, quên hóa giải những khác biệt đang nảy sinh trong cuộc hôn nhân, chủ quan phó mặc cho sợi thừng vĩnh cửu của tờ hôn thú. Nhưng Osho đã nói “Tình yêu chẳng biết gì về pháp lý. Một người yêu bạn hôm nay, nhưng điều đó sẽ ra sao ngày mai? Làm sao bạn có thể chắc chắn về ngày mai. Bạn có thể đến tòa thị chính để làm một thủ tục hợp pháp mong rằng người ấy ngày mai vẫn còn là vị hôn phối của mình. Có thể người ấy vẫn còn là người hôn phối của bạn vì những ràng buộc pháp lý, nhưng tình yêu có thể biến mất. Tình yêu chẳng biết gì về pháp lý. Và khi tình yêu biến mất rồi mà người nữ còn là vợ, người nam còn là chồng, thì có cái chết lạnh xảy đến giữa họ”.

Tôi luôn thấy tâm đắc với danh xưng “bạn đời” trong tiếng Việt. Khi gọi người kia là “bạn đời”, chẳng phải bạn đã mặc định đó là người bạn sẽ đồng hành trong suốt phần còn lại của cuộc đời mình? Vậy xin đừng xao lãng vai trò của người đồng hành. Cuộc sống luôn đổi thay, còn gì hạnh phúc hơn là luôn có người chia sẻ những bài học, những kinh nghiệm, cùng hòa mình vào những biến đổi của cuộc sống!

Vậy để khỏi phải “thức một mình”, xin đừng vội vã lao về phía trước, để tuột tay người đồng hành vô giá của mình, bạn nhé! 


Theo Đẹp, số 150



Leave a Reply.